Giới thiệu cuốn sách: “Thương nhớ mười hai” - Tác giả Vũ Bằng
Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
Dòng thời gian cứ lặng lẽ trôi đi. Khi cái giá rét, lạnh lẽo của mùa đông đang dần tan biến nhường chỗ cho những tia nắng vàng ấm áp, những nụ hoa dần hé nở, cây cối lại được khoác lên mình chiếc áo xanh non quyến rũ. Nàng tiên mùa xuân đang gõ cửa mang theo bao háo hức, hân hoan đón chào một năm mới. Chắc hẳn năm 2024 vừa qua đã để lại cho các bạn nhiều ấn tượng, cảm xúc khó quên. Và trong những ngày cuối năm, chúng ta hãy cùng hoài niệm với tác giả Vũ Bằng về 12 tháng trong năm của miền Bắc xưa qua tác phẩm “Thương nhớ mười hai” nhé!
Nhắc đến Vũ Bằng là chúng ta nhắc đến một nhà báo, một nhà văn tài hoa, hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí và văn chương. Ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội sau đó, do hoàn cảnh lịch sử ông phải vào Miền Nam hoạt động từ năm 1954. Mỗi tác phẩm của ông đều mang phong thái nhẹ nhàng, ẩn chứa những tình cảm chân thật, mộc mạc về con người và cuộc sống. Tác phẩm “Thương nhớ mười hai” bắt đầu được sáng tác từ tháng giêng năm 1960 nhưng đến tận năm 1971 mới hoàn thành.
Cuốn hồi ký trở thành nỗi niềm chung của những người con xa xứ nhanh chóng chiếm được cảm tình của bạn đọc. Tác phẩm đã được tái bản nhiều lần, và cuốn sách mà tôi muốn giới thiệu hôm nay được Nxb Kim Đồng tái bản năm 2002 với độ dày 371 trang, được in trên khổ giấy 13x19cm.
Nói về “Thương nhớ mười hai” là nói về 12 tháng trong năm của Hà Nội, có cảnh vật, ẩm thực, phong tục, tập quán của người Bắc Việt. Bên cạnh đó, thông qua các hình ảnh đẹp, tinh tế nhưng đượm buồn nhà văn còn bày tỏ nỗi nhớ, tình cảm của mình với người thân và quê hương. Mười hai tháng thương nhớ của Vũ Bằng là hình ảnh của Hà Nội xuân, hạ, thu, đông; là một Hà Nội đặc trưng với tháng giêng trăng non rét ngọt; của tháng hai tương tư hoa đào; hay của tháng chín, gạo mới, chim ngói; rồi của tháng chạp, nhớ ơi chợ Tết.
Mùa xuân Hà Nội của nhà văn Vũ Bằng là mùa xuân “có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng …”. Những câu văn đầy chất thơ; từng câu, chữ ngân nga gợi hình làm bất kì ai đã từng sống và gắn bó với Hà Nội đều có thể hình dung và liên tưởng. Cái mùa xuân ấy của Hà Nội theo tác giả nó làm ông “muốn phát điên lên”, “tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá”.
Nhiều người sẽ không thích mùa hạ bởi sự oi bức, nóng nực của nó. Nhưng Vũ Bằng vẫn yêu, say đắm cái mùa hạ Bắc Việt, vì tình yêu tha thiết với mảnh đất, con người nơi đây và vì những cảnh đẹp đã xua tan đi sự oi ả đó. “Tháng tư của miền Bắc ngày xưa, tháng tư yêu dấu, có nóng, có oi, có dế kêu, có muỗi đốt nhưng tất cả có thấm vào đâu những buổi bình minh nạm vàng, mở mắt ra nhìn lên cao thì thấy mây bay thong thả như trời khảm bằng xà cừ, gió hây hây mát, mở cửa ra đường thì thấy cả trời đất như là pha lê mà cái thân mình nhẹ tênh tếnh như là có cánh”.
Mùa thu của Bắc Việt hiện lên, bắt đầu với chương bảy của “Thương nhớ mười hai”. Tiết trời của Bắc Việt qua góc nhìn của Vũ Bằng vào thời gian này gắn liền với những trận mưa, “mưa lai rai, mưa dầm dề, mưa lê thê, và tự nhiên thấy mưa ai cũng não nề là vì không ai bảo ai mà đều biết đó là mưa ngâu”.
Mùa đông đến, sự giá lạnh tràn về trên mọi nẻo. Đầu đông, bắt đầu với những cơn gió bấc, mưa phùn, trời bắt đầu trở rét. Cuối đông cũng là lúc Tết sắp về. Có lẽ không chỉ riêng Vũ Bằng, đối với bất kỳ người con xa xứ nào, tết vẫn là thời khắc thiêng liêng nhất trong tâm hồn mỗi con người, bởi đó là không gian đầm ấm, là thời khắc gia đình sum họp, dù ai đi đâu về đâu, tết là lúc hướng về cội nguồn, về tổ ấm gia đình, về tình thân…Vũ Bằng đã dành hai chương cuối cùng của “Thương nhớ mười hai” để viết về cái Tết của quê hương, của đất nước với bao tập tục, lễ hội, bao nghi thức thiêng liêng. Sở dĩ ông ưu ái cho cái Tết bởi nó gắn với không gian gia đình, quê hương, với người vợ hiền đã đi xa của ông.
Đặc biệt khi nói đến Tết, Vũ Bằng dành nhiều tình cảm cho chợ Tết. Nói đến chợ Tết là nói đến một nét văn hóa rất độc đáo trong Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, chợ Tết đã đi vào tâm thức của Vũ Bằng thật sinh động để rồi tạo nên những trang văn đẹp nhất, lung linh nhất trong Thương nhớ mười hai. “Tháng Chạp, nhớ ơi chợ Tết” đã cho thấy chợ Tết trở thành một cảm hứng chủ đạo, để từ đó nhớ về những vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trong ngày Tết được thể hiện qua những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội dân gian… cùng với những lo toan, những buồn vui trong đời người mỗi khi Tết đến, xuân về. Có thể thấy, trong “Thương nhớ mười hai”, cùng với nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong ngày Tết cổ truyền dân tộc như: phong tục thờ cúng tổ tiên, phong tục đưa ông Táo chầu trời, phong tục kiêng kị và những lễ hội trong ngày Tết như hội Chọi trâu, hội Lim.. thì chợ Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ. Đó là sức hấp dẫn của cái đẹp được hình thành từ những điều bình dị của cuộc sống. Và từ đó, ta càng thấy yêu hơn cái “bình dị”, “quê mùa” nhưng vô cùng ấm áp của những phiên chợ Tết truyền thống dân tộc “Thì ra chợ Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ thật: nhìn vào cái gì cũng thấy đẹp, trông người nào mình cũng thấy tươi, thấy cái gì mình cũng muốn mua”.
Kính thưa quý thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến! Sống trong thời đại ngày nay, khi mà mọi giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một trước quá trình hội nhập và đô thị hóa, khi mà nhiều phong tục tập quán ngày Tết bị giản lược theo nhịp sống công nghiệp, khi mà những chiếc bánh chưng, lọ dưa hành, củ kiệu, câu đối… người ta có thể sản xuất hàng loạt và bày bán đầy rẫy trong các siêu thị thì việc hướng về không gian văn hóa của chợ Tết ngày xưa để nhìn lại những giá trị đã kết tinh thành những kí ức văn hóa, thành những hoài niệm trong mỗi người là việc vô cùng ý nghĩa. Bởi lẽ, đối với người Việt Nam ngày Tết không chỉ để vui chơi, giải trí mà đó còn là lúc trở về với nguồn cội, với tổ tiên, trở về với những giá trị văn hóa truyền thống, với những phong tục, tập quán “đã ăn sâu vào đời sống xã hội từ lâu đời”. Và đây cũng chính là sợi dây kết nối các thế hệ với nhau trong cộng đồng dân tộc. Nó trở thành một thứ sức mạnh của tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Cho nên dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì người Việt Nam vẫn luôn nhớ lũy tre làng, nhớ cây đa, bến nước, sân đình, nhớ chợ làng mà trong đó những phiên chợ Tết là những điều khiến lòng ta khắc khoải nhất.
Có thể nói hơn cả một cuốn tùy bút chứa đựng nỗi nhớ da diết, “Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng còn là tác phẩm văn học mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn để mỗi một gia đình, mỗi người con khi tìm đến lại có cơ hội đi ngược miền kí ức, trở về với những giá trị văn hóa đáng tự hào của mảnh đất Kinh Kỳ tinh tế, tài hoa. Mời các bạn hãy tìm đọc cuốn sách này tại thư viện trường với KH: STN.00233 nhé!
Nhân dịp năm mới 2025 đang đến gần, xin kính chúc các thầy cô giáo và các bạn học sinh có một năm mới luôn mạnh khỏe, an khang thịnh vượng. Hẹn gặp lại các thầy cô và các bạn trong các buổi giới thiệu sách lần sau!
Hiệp Cát ngày 06 tháng 01 năm 2025