TUYÊN TRUYỀN GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 11
CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Tháng 11 lại về trong không khí hân hoan của cả nước hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày mà cả xã hội tôn vinh công lao to lớn của các thầy cô giáo đã hết mình vì sự nghiệp “trồng người”. Nhân dịp này, thư viện trường xin trân trọng giới thiệu tới các thầy cô giáo và các em học sinh một cuốn sách đó chính là cuốn tự truyện“Tôi đi học”nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - Một cuốn sách nằm trong tủ sách Hạt giống tâm hồn và cuốn sách này đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua. Cuốn sách được in khổ 15 x 21 cm, dày là 171 trang do nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2017.
Đến với cuốn sách các bạn sẽ ấn tượng ngay từ hình ảnh trang bìa với gam màu chủ đạo là màu trắng tinh khôi. Nổi bật ở chính giữa là hình ảnh minh họa nhân vật chính của cuốn sách - một cậu bé đang dùng đôi bàn chân của mình miệt mài tập viết bên một khung cảnh hết sức thân quen của làng quê Việt Nam.
Tự truyện “Tôi đi học” được Nguyễn Ngọc Ký viết từ tháng 9/1966. Đến mùa hè năm 1968, bản thảo được hoàn thành. Năm 1970, ngày sinh viên Nguyễn Ngọc Ký bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp cũng là ngày cuốn sách được ra mắt bạn đọc cả nước với tựa đề “Những năm tháng không quên”. Từ đó đến nay đã 54 năm trôi qua, cuốn sách được tái bản nhiều lần không chỉ ở NXB Kim Đồng mà còn ở nhiều nhà xuất bản khác với tựa mới “Tôi đi học”- một cuốn sách quen thuộc với nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam.
Đến với cuốn sách các bạn sẽ được đến với một câu chuyện cổ tích giữa đời thường kể về cuộc đời đầy khổ luyện và ý chí phấn đấu, vượt qua nghịch cảnh để đến với thành công của người thầy “tàn nhưng không phế”. Và tất cả những ký ức đẹp đẽ này được ông kể lại thông qua 39 câu chuyện của chính mình. Lật giở từng trang sách, bạn đọc như được đồng hành cùng nhà giáo trở về tuổi thơ của mình: Cậu bé Ký sinh ra ở huyện Hải Hậu, tỉnh Hà Nam Ninh cũ. Biến cố xảy ra với cậu bé Ký năm lên 4 tuổi, cậu bị bệnh bại liệt, từ đó hai tay cậu “như hai cục thịt lủng lẳng đeo vào hai bên mình” không cử động được nữa. Các bạn thử hình dung xem mới cách đây có mấy ngày thôi cậu bé Ký vẫn còn là một đứa trẻ nhanh nhẹn , nghịch như quỷ sứ thế mà hôm nay cậu lại phải mang một biệt danh mới “Ký què”, “Thằng què” thì cảm giác của cậu sẽ như thế nào. Nguyễn Ngọc Ký đã viết “Tôi sẽ chẳng bao giờ quên quãng thời gian ngắn ngủi đáng yêu ấy, những ngày đôi tay của tôi còn lành lặn. Bây giờ nhớ lại, tôi ước gì được sống lại, dù chỉ đôi phút…”. Đọc đến đây chắc hẳn người đọc cũng thấy cay cay nơi sống mũi và các bạn sẽ thấy mình thật may mắn và hạnh phúc vì mình có một đôi tay lành lặn. Còn với cậu bé Ký thì từ đây cậu phải sống trong chuỗi ngày buồn tủi, gò bó như con chim non đang lúc tập bay bị gãy cánh. Cậu mặc cảm vô cùng vì với đôi tay ấy cậu “ không còn chơi được trò gì, không biết chơi với ai ngoài con Vàng nhỏ và chú mèo Mướp”. Khi hòa bình lập lại, các bạn Ký ai cũng nô nức cắp sách đến trường, Ký cũng thèm được đi học như các bạn. Hình ảnh cậu bé chạy ra ngõ đứng lặng nhìn không chớp mắt cho đến khi tốp trẻ con cuối cùng đi mất hút mới lững thững quay vào nhà với dòng nước mắt lã chã tuôn rơi hay đứng lấp ló ở cửa lớp học nhìn bọn trẻ đọc “O” mà mồm cũng chúm môi đọc “O” theo, càng cho ta thấy niềm ước mơ khát khao cháy bỏng được đi học giống như các bạn của cậu bé Ký. Cậu về nhà xin bố mẹ cho đi học và khi được cô giáo Cương nhận vào học, mặc dù học sau các bạn song Ký nhanh chóng theo kịp bạn bè, nhận được mặt chữ và khi các bạn đã học viết và viết được chữ thì trong lòng Ký cũng cháy lên một ước mơ thầm kín và cậu quyết tâm: “Mình phải tập viết” nhưng các bạn có tay để cầm bút còn Ký sẽ cầm bút thế nào đây? Thế rồi, trên đường đi học về nhìn thấy con chim gáy vẽ những đường vân lạ lùng trên lá, Ký nghĩ “Chim nó dùng mỏ mà vẽ đẹp thế thì mình cũng sẽ dùng miệng để viết”. Song khi cậu thử thì thấy không ổn vì dùng miệng sẽ không thể giữ sách được. Nhìn thấy mấy chú gà dùng chân bới tìm thức ăn, Ký vụt nghĩ: “Hay mình cũng sẽ dùng chân để viết?” và cậu đã kiên trì dùng mẩu gạch non kẹp vào ngón chân để tập viết, cậu bé miệt mài tập khiến “cả chiếc sân đỏ lòe loẹt vết vẽ” và dần dần Ký đã viết được và tập viết bằng bút vào vở. Nếu các bạn khác mới học viết đều được “Cô cầm tay em. Nắn từng nét chữ” thì Ký lại được cô giáo Cương quan tâm một cách rất riêng “Cô cầm bút đặt vào chân tôi và tự tay bắt chân tôi tập viết”. Vất vả, khổ cực đánh vật với cách cầm bút bằng chân, nhiều lúc bị chuột rút, co quắp cả ngón chân khiến Ký thấy nản, muốn buông xuôi. Song với nghị lực phi thường và sự giúp đỡ nhiệt tình của cô giáo Cương và các bạn, Ký đã viết được và bài tập chép của cậu đã tiến bộ rất nhanh từ điểm 5 lên 8 rồi 10.
Bạn đọc thân mến! Vậy là cậu bé Ký đã bước đầu thành công và hòa nhập được với các bạn trong học tập thế còn trong sinh hoạt và các công việc khác thì sao?
Đối với một đứa trẻ bình thường việc cầm kéo cắt thủ công đã khó, thế mà với cậu bé Ký không những cậu đã dùng đôi chân của mình cầm kéo để cắt giấy thủ công được mà cậu còn có thể vót nan, đan lát được hầu hết các vật dụng từ vỉ ruồi, rổ rá, lồng chim. Ngoài ra cậu còn có thể xâu kim, khâu vá, cắt chữ, tập bơi, chơi cầu, đánh vật bằng chân. Đây thực sự là điều mà người bình thường không phải ai cũng làm được, thế mà cậu bé Ký đã làm được mà còn làm rất tốt. Điều ngạc nhiên hơn nữa là cậu bé Ký còn dùng đôi chân để vẽ hình trong toán học. Với đôi chân, thì việc cặp chiếc thước, kẻ một đường thẳng cũng khó, huống hồ phải kẻ những đường ngang dọc lắt léo đòi hỏi thật chính xác hay dùng com pa vẽ hình tròn. Song bằng ý chí và nghị lực phi thường Nguyễn Ngọc Ký đã vẽ được những hình khá chuẩn xác. Để rồi vượt lên trên tất cả những sự khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua từ lớp vỡ lòng đến khi tốt nghiệp trung học, Nguyễn Ngọc Ký luôn là một học sinh giỏi, được thầy yêu bạn mến. Trong kỳ thi học sinh giỏi toán lớp 7 ở miền Bắc, Ký đứng thứ 5. Lứa tuổi thiếu niên, Nguyễn Ngọc Ký đã hai lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu khen ngợi. Cả chặng đường tuổi thơ của Nguyễn Ngọc Ký chỉ có một ước mơ duy nhất là quyết chí đi học để được như những người bình thường. Ông đã vượt lên sự run rủi của số phận, trở thành một nhà giáo viết bằng chân đầu tiên ở Việt Nam. Để có thể giảng bài với đôi tay tật nguyền, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã cải tiến, sáng tạo ra nhiều phương pháp, cách thức dạy học mới phù hợp với từng lứa tuổi các em. Đó là việc thầy tự thiết kế các mô hình, dàn bài trên bìa một tờ giấy cứng, bên ngoài có một tờ giấy trắng che lại. Giảng đến đâu, thầy dùng chân kéo tờ giấy che ở bên ngoài xuống, thế là những con chữ xuất hiện. Cùng với đó là giọng giảng sinh động, truyền cảm, thầy đã truyền lòng say mê cho biết bao học sinh. Không những thế, trong bất cứ bài học nào, thầy cũng nghĩ ra những câu đố bằng thơ rất độc đáo. Vì vậy tiết giảng của thầy Ký luôn cuốn hút học sinh và được học sinh hết lòng yêu mến, kính trọng.
Cứ thế, người thầy tật nguyền nhưng sáng ngời ý chí và nghị lực ấy đã “truyền lửa” cho biết bao thế hệ học sinh. Với những đóng góp lớn lao ấy, ngày 20/11/1992 thầy được vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Năm 2005, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã nghỉ hưu song cũng đôi chân ấy, thầy vẫn tiếp tục viết sách, làm thơ, dạy học, … để tiếp tục vẽ lên một huyền thoại, một tấm gương vượt khó, vượt lên số phận để thành công. Tuy thầy không còn nữa song thật sự thầy vẫn là một tấm gương, là một biểu tượng cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam noi theo.
Bạn đọc mến!
Tự truyện “Tôi đi học” không quá cầu kì chải chuốt trong từng câu chữ nhưng lại hấp dẫn người đọc chính bởi những ngôn từ mộc mạc, giản dị. Đây không những là một cuốn sách bổ ích, có tác dụng giáo dục về nghị lực sống hiệu quả mà nhẹ nhàng cho tất cả các em hoc sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường mà còn giúp người đọc ở mọi lứa tuổi có thêm một tấm gương sống, một điểm tựa không hề sách vở để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Quả là một cuốn sách rất đáng để chúng ta tìm đọc đúng không? Mời các bạn hãy đến với thư viện và tìm đọc cuốn sách “Tôi đi học” của tác giả NguyễnNgọc Ký này với KH: STN/1061-1063.
Các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
Chương trình giới thiệu sách T11 của thư viện trường đến đây là kết thúc. Cuối cùng, xin kính chúc các thầy cô giáo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công hơn nữa trong sự nghiệp "trồng người". Chúc các em học sinh luôn chăm ngoan, học giỏi và đạt nhiều thành tích trong học tập. Hẹn gặp lại các thầy cô giáo và các em trong chương trình giới thiệu sách lần sau.
Hiệp Cát, ngày 1 tháng 11 năm 2024